Hai tuần trước, tôi có thương lượng mua một miếng đất. Do đã thế chấp giấy đỏ cho ngân hàng nên chủ đất đề nghị tôi đưa trước 40 triệu đồng để lấy giấy ra.
Vì ưng ý miếng đất nên tôi chấp nhận đưa tiền. Sau kiểm tra lại giấy đỏ thì tôi mới biết đất vướng quy hoạch lộ giới. Lỡ đưa trước tiền nên tôi đã đi công chứng hợp đồng mua bán đất. Nay tôi quyết định không mua nữa thì tôi có thể đòi lại 40 triệu đồng hay không?
Huỳnh Minh Trí (minhtri0101@gmail.com)
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO trả lời: Điều 426 Bộ luật Dân sự quy định như sau về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự: “Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại”.
Ông cần chủ động thương lượng với bên bán đất về việc không còn muốn mua đất nữa theo các nguyên tắc nêu trên. Trường hợp không thỏa thuận được, các bên có thể khởi kiện ra TAND cấp huyện để được xem xét, giải quyết.
2. Bán phần nhà của mẹ
Tháng 2-1996, cha mẹ tôi có lập di chúc để lại nhà, đất cho ba người con. Tháng 9-1996, cha mẹ tôi đổi ý, để lại toàn bộ tài sản vào việc thờ cúng. Sau khi cha tôi mất, hai em tôi đòi bán tài sản để chia làm ba và gạt mẹ tôi ra ngoài viện lẽ mẹ tôi đã hơn 80 tuổi. Tôi phải xử lý thế nào?
Nguyễn Bá Lộc (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương)
Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG trả lời: Theo Điều 668 Bộ luật Dân sự, di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 670 bộ luật trên, trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng...
Khi người mẹ còn sống thì di chúc lập tháng 9-1996 chưa có hiệu lực toàn bộ. Những người con không có quyền bán khối tài sản mà người mẹ được sở hữu 1/2. Các thành viên trong gia đình cần cố gắng thống nhất việc định đoạt tài sản và trong trường hợp cần thiết thì có thể khởi kiện ra TAND cấp huyện.